Thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp
Để thành lập doanh nghiệp những người góp vốn cần góp một số vốn nhất định. Vậy góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ có được không? Thủ tục tiến hành thế nào?
Sở hữu trí tuệ
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là khái niệm pháp lý chỉ sự bảo hộ của pháp luật đối với các thành quả lao động sáng tạo bằng trí tuệ, các sản phẩm trí tuệ của con người.
Quyền sở hữu trí tuệ được xác lập khi tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ và được cơ quan đăng ký có thẩm quyền cấp văn bằng xác nhận quyền sở hữu đó có thời hạn bảo hộ nhất định. Tài sản trí tuệ sau khi được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu sẽ được coi là tài sản vô hình có giá trị và được pháp luật chấp nhận khi góp vốn khi kinh doanh. Theo Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
Điều 35. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
Điều kiện góp vốn
– Tài sản là quyền sở hữu trí tuệ đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã được cấp văn bằng bảo hộ.
– Chỉ chủ sở hữu (người đứng tên chủ sở hữu trên văn bằng bảo hộ) tài sản sở hữu trí tuệ đó mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn vào doanh nghiệp.
– Tài sản là quyền sở hữu trí tuệ phải được các thành viên, các cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam trước khi tiến hành góp vốn.
Thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Hồ sơ
Chủ thể góp vốn bằng thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ được chia thành hai đối tượng là cá nhân, tổ chức không kinh doanh và cá nhân, tổ chức có kinh doanh:
– Hồ sơ góp vốn của cá nhân, tổ chức không kinh doanh bao gồm:
+ Chứng từ chứng minh quyền sở hữu đối vơi thương hiệu hoặc quyền sở hữu trí tuệ;
+ Biên bản góp vốn hoặc biên bản giao nhận tài sản nếu công ty nhận góp vốn là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;
+ Văn bản định giá tài sản hoặc văn bản thỏa thuận của hai bên.
– Hồ sơ góp vốn của cá nhân, tổ chức có kinh doanh bao gồm:
+ Chứng từ định giá tài sản của đơn vị định giá chuyên nghiệp hoặc văn bản thỏa thuận, biên bản định giá tài sản của bên góp vốn và bên nhận góp vốn;
+ Biên bản góp vốn bằng quyền SHTT hoặc thương hiệu;
+ Các chứng từ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản;
+ Hợp đồng liên kết, liên doanh của hai bên.
Thủ tục
+ Định giá quyền sở hữu trí tuệ: Bên góp vốn và bên nhận góp vốn đàm phán định giá quyền sở hữu trí tuệ hoặc thuê cơ quan, đơn vị chuyên môn định giá tài sản;
+ Tiến hành cấp giấy chứng nhận vốn góp, cổ phần và tiến hành chuyển quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền;
+ Thực hiện việc xác nhận hoặc thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận góp vốn.
Trên đây là bài viết về góp vốn bằng quyền SHTT Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.