Quyền tác giả là gì? Những quy định pháp luật về quyền tác giả
Đối với mỗi tác phẩm được tạo ra bằng trí tuệ thì cần đăng ký quyền tác giả. Vậy quyền tác giả là gì? Những quy định pháp luật liên quan về quyền tác giả?
Khái niệm quyền tác giả
Ở Việt Nam quyền tác giả được quy định trong hai bộ luật và luật của quốc gia Việt Nam: đó là Bộ luật Dân sự 2015 và Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Luật sở hữu trí tuệ:
Điều 18. Quyền tác giả
Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Điều 19. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Căn cứ vào những quy định của pháp luật về quyền tác giả thì quyền tác giả được hiểu dựa trên hai phương diện:
Về phương diện khách quan: Quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật về quyền tác giả nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả, xác định các nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quy định tự thực hiện và bảo vệ các quyền đó khi có hành vi xâm phạm.
Về phương diện khách quan: Quyền tác giả là quyền dân sự cụ thể (quyền tài sản và quyền nhân thân) của chủ thể với tư cách là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học và quyền khởi kiện hay không khởi kiện khi quyền của mình bị xâm phạm.
Quyền tác giả còn được hiểu là quan hệ pháp luật dân sự. Đó là quan hệ xã hội giữa tác giả, giữa chủ sở hữu quyền tác giả với các chủ thể khác trong xã hội thông qua tác phẩm, dưới sự tác động của quy phạm pháp luật, quan hệ giữa các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với các chủ thể khác được xác định. Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được sáng tạo ra và được thể hiện dưới hình thức khách quan và được các quy phạm pháp luật điều chỉnh, theo đó quan hệ về quyền tác giả được xác lập.
Đặc điểm quyền tác giả
Ngoài các đặc điểm chung của quyền sở hữu trí tuệ là tính vô hình của các đối tượng, các đối tượng này chủ được bảo hộ trong thời hạn nhất định. Quyền sở hữu trí tuệ không những được bảo hộ ở lại nước có công dân sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ mà còn bảo hộ ở các nước thành viên của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, các thành quả của lao động trí tuệ đều có tác dụng nâng cao trình độ hiểu biết và quyền tác giả còn có những đặc điểm riêng sau:
a, Đối tượng của quyền tác giả luôn mang tính sáng tạo, được bảo hộ không phụ thuộc vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.
Đối tượng của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Tác phẩm là thành quả lao động sáng tạo của tác giả được thể hiện dưới hình thức nhất định. Mọi cá nhân đều có quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và khi cá nhân tạo ra tác phẩm trí tuệ, không phụ thuộc vào giá trị nội dung và nghệ thuật đều có quyền tác giả đối với tác phẩm. Pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ hình thức thể hiện dưới dạng nào đó mà không phản ánh hay không chứa đựng nội dung nhất định. Tác phẩm phải do tác giả trực tiếp thực hiện lao động trí tuệ của mình mà không phải sao chép từ tác phẩm của người khác.
b, Quyền tác giả thiên về việc bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm.
Pháp luật về quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức chứa đựng tác phẩm khi nó được tạo ra và thể hiện dưới hình thức nhất định mà không bảo hộ nội dung sáng tạo tác phẩm
c, Hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động.
Quyền tác giả được xác lập dựa vào chính hành vi tạo ra tác phẩm của tác giả, không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục nào. Nhưng đối với quyền sở hữu công nghiệp, được xác lập dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xét và cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu các đối tượng đó.
d, Quyền tác giả không được bảo hộ một cách tuyệt đối.
Đối với tác phẩm đã được công bố, phổ biến và tác phẩm không bị cấm sao chụp thì cá nhân, tổ chức được phép sử dụng tác phẩm của người khác nếu việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh, ảnh hưởng đến việc sử dụng, khai thác bình thường của tác phẩm, không xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp khác của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.
Điều kiện bảo hộ quyền tác giả
Bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học để bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Nên, sản phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được công nhận là tác phẩm khi thỏa mãn những điều kiện được pháp luật quy định tại Điều 13, 14, 15 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009.
Vậy trước hết, chúng ta cần phải hiểu thế nào là “tác phẩm” – đối tượng được bảo hộ quyền tác giả?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung 2009 :
“7. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.”
Điều kiện bảo hộ quyền tác giả được thể hiện rất rõ ràng:
Thứ nhất, phải có tính sáng tạo: Tính sáng tạo ở đây là để chỉ những ý tưởng mang những nét riêng, mới lạ. Sản phẩm có tính sáng tạo ở đây phải là kết quả của hoạt động tư duy, sáng tạo trí tuệ trực tiếp của tác giả; được tạo ra bởi tác giả; và mang những nét riêng độc đáo, thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận cũng như phong cách của chính tác giả, mà không phải là sự sao chép từ tác phẩm của người khác. Cụ thể, theo quy định tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ thì: “1. Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này…”
Thứ hai, được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định hoặc thể hiện bằng phương tiện bất kỳ. Các ý tưởng sáng tạo chỉ là tư duy, thuộc về phạm trù ý thức. Nên muốn tiếp cận và hưởng lợi, thể hiện giá trị của những ý tưởng này thì chúng phải được bộc lộ, thể hiện dưới những hình thức nhất định, hoặc hoặc bằng những phương tiện bất kỳ. Pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng đó. Hình thức thể hiện các ý tưởng này có thể rất đa dạng, phụ thuộc vào loại hình tác phẩm và sự phát triển của công nghệ hiện đại. Chúng có thể được thể hiện thông qua chữ viết, hình khối, đường nét, màu sắc, ca từ, ổ đĩa máy tính…. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009.
Trên đây là bài viết về quyền tác giả Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.