Hướng dẫn đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu
Đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những gì? Trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? Cùng tư vấn luật Lawkey tìm hiểu trong bài viết dưới đây:
1. Điều kiện đăng ký niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp
* Đối với trái phiếu doanh nghiệp đăng ký niêm yết trên SGDCK Thành phố Hồ Chí Minh:
– Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Hoạt động kinh doanh của 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;
– Công khai mọi khoản nợ đối với công ty của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc), Kế toán trưởng, cổ đông lớn và những người có liên quan;
– Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất ba trăm (300) cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.
– Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định;
* Đối với trái phiếu doanh nghiệp đăng ký niêm yết trên SGDCK Hà Nội:
– Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Có ít nhất 01 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5%; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm; tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính;
– Tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
– Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định;
2. Trình tự đăng ký niêm yết cổ phiếu
Bước 1: Tổ chức đăng ký niêm yết chứng khoán phải nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cho Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK).
Bước 2: SGDCK tiếp nhận hồ sơ trong giờ hành chính các ngày làm việc, kiểm tra, thẩm định hồ sơ. SGDCK gửi công văn cho công ty yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu cần).
Bước 3: SGDCK cấp Quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu và công bố thông tin trên các phương tiện công bố thông tin của SGDCK. Trường hợp từ chối, SGDCK phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký niêm yết trái phiếu
3. Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu
a) Giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu;
b) Bản chính Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu hoặc quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Đề án cổ phần hóa (trong trường hợp niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa);
c) Sổ đăng ký cổ đông của tổ chức đăng ký niêm yết được lập trong thời hạn một tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết; kèm theo danh sách cổ đông lớn, người nội bộ, cổ đông chiến lược, người được ủy quyền công bố thông tin và nhóm người có liên quan của người nội bộ, người được ủy quyền công bố thông tin (số lượng, tỷ lệ nắm giữ, thời gian bị hạn chế chuyển nhượng (nếu có);
d) Bản cáo bạch;
đ) Cam kết của cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và cam kết của cổ đông lớn là người có liên quan với thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của công ty nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian sáu (06) tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian sáu (06) tháng tiếp theo;
e) Hợp đồng tư vấn niêm yết (nếu có);
g) Giấy cam kết hạn chế tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù (nếu có);
h) Danh sách những người có liên quan đến các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát và Kế toán trưởng;
i) Giấy chứng nhận của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về việc cổ phiếu của tổ chức đó đã đăng ký, lưu ký tập trung;
k) Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng cổ phần.
Xem thêm: Đăng ký chào bán cổ phiếu tại nước ngoài.
4. Phí và lệ phí đăng ký
Phí, lệ phí: quy định tại Thông tư số 241/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
- Giá dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu: 10 triệu đồng/công ty niêm yết.
- Giá dịch vụ quản lý niêm yết hàng năm:
+ Niêm yết dưới 100 tỷ đồng: 15 triệu đồng
+ Niêm yết từ 100 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng: 20 triệu đồng
+ Niêm yết từ 500 tỷ đồng trở lên: 20 triệu đồng + 0,001%/ giá trị niêm yết nhưng không vượt quá 50 triệu đồng.Hướng dẫn đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu.
Trên đây là nội dung bài viết Hướng dẫn đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu LawKey gửi đến bạn đọc, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán thuế vui lòng liên hệ LawKey.