Mua bán trái phép hóa đơn
Mua bán trái phép hóa đơn theo pháp luật hình sự gồm những hành vi nào? Mức xử phạt đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mua bán trái phép hóa đơn là gì?
Hành vi mua bán trái phép hóa đơn được hiểu là hành vi mua đi bán lại hóa đơn không được phép mua bán theo quy định pháp luật để thu lợi (hóa đơn không được phép mua bán có thể là hóa đơn giả, hóa đơn được in ấn đúng quy định nhưng được lập không đúng với hàng hóa, dịch vụ…)
Người có hành vi mua bán trái phép hóa đơn nếu không có đủ dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội mua bán trái phép hóa đơn tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trốn thuế.
Người phạm tội mua bán trái phép hóa đơn có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
Những hành vi mua bán trái phép hóa đơn
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC, hành vi mua bán trái phép hóa đơn gồm những hành vi sau:
“c.1) Mua, bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định;
c.2) Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo;
c.3) Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;
c.4) Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn.”
Mức xử phạt đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn
Tội danh mua bán trái phép hóa đơn có chủ thể phạm tội là cá nhân và tổ chức. Do vậy, hình phạt được áp dụng đối với từng chủ thể phạm tội là khác nhau.
Theo Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm k khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, quy định về tội mua bán trái phép hóa đơn bị áp dụng 2 khung hình phạt chính (khung hình phạt cơ bản và khung hình phạt tăng nặng), đồng thời có thể phải chịu hình phạt bổ sung. Quy định này căn cứ tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của từng chủ thể phạm tội để áp dụng khung hình phạt.
Đối với cá nhân phạm tội
– Khung hình phạt cơ bản: Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng: người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 200 – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm theo các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội
– Khung hình phạt cơ bản: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng;
– Khung hình phạt tăng nặng: Pháp nhân thương mại bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 01 tỷ đồng theo các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
– Hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 – 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 – 03 năm.
>>Xem thêm: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi. Nếu có vấn đề thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey để được tư vấn và nhận ngay ưu đãi mới nhất Dịch vụ tư vấn thuế tốt nhất của chúng tôi.