Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là gì? Có những nội dung gì và mục đích là để làm gì? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết sau đây:
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là Bảo hộ các sản phẩm trí tuệ, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. Trong đó, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có thể là các tác giả, chủ văn bằng bảo hộ hoặc người được phép sử dụng hợp pháp đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.
Đây là chế định của Bộ luật dân sự về việc nhà nước công nhận quyền sở hữu của tác giả các sáng tác trong lĩnh vực công nghiệp bằng việc cấp văn bằng bảo hộ về các quyền, lợi ích, nghĩa vụ đối với sáng tác của mình trong thời gian bảo hộ. Các đối tượng sở hữu công nghiệp được nhà nước bảo hộ gồm:
a) Sáng chế: giải pháp kĩ thuật mới so với trình độ kĩ thuật trên thế giới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.
b) Giải pháp hữu ích: giải pháp kĩ thuật mới so với trình độ kĩ thuật thế giới, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
c) Kiểu dáng công nghiệp: hình dáng bên ngoài của sản phẩm với đường nét hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố ấy, có tính cách mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
d) Nhãn hiệu hàng hoá: những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau.
đ) Tên gọi xuất xứ hàng hóa: tên địa phương, nơi sản xuất ra một mặt hàng được lấy để đặt tên cho mặt hàng. Thông thường, một số mặt hàng được gọi theo tên nơi sản xuất.
>>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký thương hiệu độc quyền
Nội dung của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:
Đối tượng của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Người nào sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của người khác đang trong thời gian bảo hộ mà không xin phép chủ sở hữu các đối tượng này thì bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (trừ các trường hợp có quy định riêng) và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể hiểu một cách ngắn gọn về nội của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
Thứ nhất là ban hành các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp;
Thứ hai là cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp cho các chủ thể khác nhau khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định (xác lập quyền); Thứ ba là bằng các phương thức, biện pháp khác nhau bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ văn bằng (bảo vệ quyền).
Mục đích của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:
Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là để bảo vệ pháp chế, là bảo đảm sự việc chấp hành các quy định của luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nhằm đảm bảo cho các nội dung của quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp được thi hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của xã hội và của chủ văn bằng.
Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp để thực hiện quyền và nghĩa vụ quốc tế. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và nhiều hiệp định thương mại. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nội dung của các văn bản này, đặc biệt của Hiệp định các khía cạnh sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại (TRIPS) đều quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong việc thực thi các điều khoản đã cam kết, trong đó đảm bảo việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân là chủ văn bằng đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Trên đây là nội dung về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
>>> Xem thêm: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp