Thời điểm gửi giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài
Thời điểm gửi giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài là khi nào? Có trường hợp nào không phải gửi giải trình hay không?
Tư vấn luật Lawkey xin được trình bày như sau:
Thời điểm gửi giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài:
Khoản 5 Điều 9 Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH sửa đổi thông tư liên quan đến thủ tục hành chính quy định về thời điểm mà người sử dụng lao động phải gửi giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài như sau:
“Điều 9. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
…
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau:
“1. Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) gửi báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo Mẫu số 1 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây viết tắt là cơ quan chấp thuận).
Trường hợp có thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động gửi báo cáo giải trình thay đổi theo Mẫu số 2 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan chấp thuận trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài”.
…”
Như vậy, có thể thấy theo quy định hiện hành thì trước ít nhất 30 kể từ ngày dự kiến sẽ sử dụng người lao động nước ngoài cần thực hiện việc gửi báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
>>> Xem thêm: Quy định và điều kiện tuyển dụng người lao động nước ngoài
Có trường hợp nào không phải gửi giải trình hay không?
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp sử dụng người lao động nước ngoài phải gửi báo cáo giải trình. Cụ thể đối với các trường hợp người lao động nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây thì không phải thực hiện bước này:
– Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam;
– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ;
– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được;
– Là học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng người sử dụng lao động phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;
– Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm;
– Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam;
– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thành viên.
Trên đây là tư vấn của Lawkey về vấn đề mà bạn đọc đang quan tâm.