Thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Thương trường là chiến trường, nếu không có kế hoạch kinh doanh đúng đắn, thương nhân nước ngoài rất dễ thất bại ở môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh tại Việt Nam. Vậy thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện công ty nước ngoài ở Việt Nam là gì?
Văn phòng đại diện là gì?
Tại Khoản 6 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định: “Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.”
So với văn phòng đại diện thông thương, văn phòng đại diện cho công ty nước ngoài không có quá nhiều điểm khác biệt:
– Văn phòng đại diện công ty nước ngoài là một đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp nước ngoài
– Được thành lập tại Việt Nam theo các quy định pháp luật nhằm xúc tiến các hoạt động thương mại
Trường hợp chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
+ Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài.
+ Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh.
+ Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn.
+ Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn.
+ Bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 44 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.
+ Thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện không còn đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.
Hồ sơ cần chuẩn bị
– Thành phần hồ sơ, gồm:
+ Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện (theo mẫu, trừ trường hợp bị thu hồi Giấy phép Văn phòng đại diện) hoặc Bản sao văn bản của Sở Công thương không gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (đối với Trường họp hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà không được Sở Công thương đồng ý gia hạn);
+ Bản sao Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (đối với Trường họp bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện);
+ Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
+ Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
+ Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;
Trường hợp Văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý để chuyển địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện đến một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác hoặc khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban Quản lý khác, Hồ sơ chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện bao gồm:
+ Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện (theo mẫu);
+ Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
Thủ tục
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Sở Công thương tiếp nhận hồ sơ và cấp Biên nhận.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, Sở Công thương có văn bản yêu cầu thương nhân nước ngoài bổ sung hồ sơ.
Nộp hồ sơ qua bưu điện: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Sở về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.
Trên đây là bài viết về chấm dứt văn phòng đại diện của công ty nước ngoài ở Việt Nam Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.