Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì? Quy định hiện hành.
Các doanh nghiệp khi muốn đầu tư ở lĩnh vực Nhà nước quy định cần xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Vậy giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?
Khái niệm giấy chứng nhận đầu tư
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ĐKĐT) là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền ban hành cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thường được gắn liền với các dự án đầu tư và áp dụng phần lớn cho các cá nhân, tổ chức có yếu tố nước ngoài.
Hay có thể hiểu Giấy chứng nhận đầu tư là điều kiện cần thiết để thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam, đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp.
Xem thêm tại: Luật Đầu tư 2014
Điều kiện xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam
Căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện xin cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam được quy định như sau:
– Nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế
– Về hình thức đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ được đầu tư dưới các hình thức:
+ Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
+ Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế;
+ Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh;
+ Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác;
+ Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
– Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ về phạm vi hoạt động đầu tư và về đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ xin cấp
Đối với dự án đầu tư trong nước
Dự án có quy mô đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhưng nhà đầu tư có nhu cầu được xác nhận ưu đãi đầu tư và không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư
Đối với dự án đầu tư có quy mô đầu tư từ 15 tỷ đến 300 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì hồ sơ đăng ký bao gồm:
+ Bản đăng ký đầu tư
+ Dự án đầu tư gồm: mục tiêu, quy mô, địa điểm thực hiện dự án đầu tư; Vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án
+ Một số văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư
+ Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư
+ Nhu cầu sử dụng đất và cam kết việc bảo vệ môi trường
+ Kiến nghị ưu đãi đầu tư (nếu có)
Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài
Hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đăng ký đầu tư theo mẫu
+ Hợp đồng hợp tác kinh doanh – đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh
+ Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư
Đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện
Hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư (theo mẫu)
+ Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư: bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác đối với nhà đầu tư là tổ chức; bản sao hộ chiếu hoặc CMTND đối với nhà đầu tư là cá nhân
+ Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh
+ Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư
+ Giải trình kinh tế – kỹ thuật bao gồm: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất và cam kết việc bảo vệ môi trường
+ Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng theo quy định của pháp luật
Đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện
Hồ sơ bao gồm:
+ Giải trình điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng
+ Tất cả các loại hồ sơ cho từng trường hợp cụ thể đã nêu trên
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện như sau:
1. Với dự án đầu tư nằm trong diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của nhà nước, trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày được nhận quyết định chủ trương đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
2. Các dự án đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định, nhà đầu tư thực hiện thủ tục theo quy định sau đây:
a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ đầy đủ theo quy định cho cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do từ chối.
Mục đích của việc xin giấy chứng nhận đầu tư này giúp cho nhà nước Việt Nam quản lý được việc đầu tư của khách hàng và được áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài thực hiện đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
Các cá nhân, tổ chức muốn xin giấy chứng nhận cần đến sở kế hoạch và đầu tư để xin cấp.
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ĐKĐT được quy định như sau:
– Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận ĐKĐT đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
– Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
– Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận ĐKĐT đối với dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Trên đây là bài viết về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.