Đặc điểm hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành
Hợp tác xã là một trong những mô hình kinh tế đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta hiện nay bên cạnh các loại hình doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần, Công ty TNHH,…Vậy hợp tác xã là gì và có những đặc điểm nào? Bài viết dưới đây, LawKey xin cung cấp những thông tin cần biết về hợp tác xã như sau:
1. Hợp tác xã là gì?
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012, Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
2. Đặc điểm của hợp tác xã
Trên cơ sở khái niệm hợp tác xã được xác định theo Luật hợp tác xã năm 2012, có thể khái quát hợp tác xã có các đặc điểm cơ bản sau:
a) Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế mang tính xã hội sâu sắc
Tính xã hội của hợp tác xã được thể hiện rõ trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, đó là tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Hợp tác xã được thành lập để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo việc làm cho các thành viên, thúc đẩy sự phát triển và góp phần hạn chế thất nghiệp trong xã hội.m Hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã.
b) Về thành viên hợp tác xã
Hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, có số lượng thành viên tối thiểu là 7 thành viên. Thành viên tham gia hợp tác xã có thể là cá nhân, hộ gia đình nhưng cũng có thể là pháp nhân khi đáp ứng được các điều kiện được quy định trong Điều 13 Luật hợp tác xã năm 2012.
Thành viên hợp tác xã có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.
c) Về chế độ chịu trách nhiệm của hợp tác xã
Nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã được thể hiện qua việc thực hiện các nghĩa vụ nhất định: hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký; thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê; quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật,…Hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.
d) Về tư cách pháp nhân của hợp tác xã
Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân. Hợp tác xã được thành lập một cách hợp pháp khi đăng ký kinh doanh ở UBND cấp huyện và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoạt động trên cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật, nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, có thể là nguyên đơn bị đơn trước Tòa án, trọng tài thương mại.
e) Hợp tác xã thực hiện việc phân phối thu nhập cho các thành viên theo lao động, theo vốn góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã
Thành viên hợp tác xã và hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm, được thể hiện bằng tỷ lệ tiền lương của từng thành viên trên tổng tiền lương của tất cả thành viên.
Trên đây là bài viết “Đặc điểm hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành” LawKey gửi đến bạn đọc, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ thành lập công ty và dịch vụ kế toán vui lòng liên hệ LawKey để được cung cấp dịch vụ.