Doanh nghiệp nhà nước và các bước thành lập doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp Nhà nước là một tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư hoặc góp vốn đầu tư, thành lập và tổ chức quản lý, thực hiện hoạt động kinh doanh- thương mại hay hoạt động công ích xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính sách xã hội do Nhà nước giao phó, đề ra.
Doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân, do đó nó có các quyền và trách nhiệm pháp lý dân sự riêng. độc lập với chủ sở hữu, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh thương mại của mình trong phạm vi vốn góp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Nhà nước có tên gọi riêng, con dấu riêng cũng như là chủ sở chính trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Việc thành lập doanh nghiệp Nhà nước phải được tiến hành theo đúng các trình tự và thủ tục các bước sau:
Bước 1: Đề nghị thành lập doanh nghiệp
– Theo Luật doanh nghiệp Nhà nước hiện hành, chủ thể tiến hành đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước là thủ trưởng của cơ quan sáng lập như thủ trưởng của các bộ, cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp Tỉnh đề nghị thành lập mới doanh nghiệp, hay còn được gọi là người đề nghị.
– Chủ thể đề nghị thành lập doanh nghiệp sẽ là người đại diện cho quyền lợi của chủ sở hữu là Nhà nước để xác định nên đầu tư vốn vào lĩnh vực nào, quy mô ra sao để có hiệu quả nhất và đạt được mục tiêu kinh tế xã hội do Nhà nước đề ra.
– Người đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước tiến hành thực hiện các thủ tục đề nghị thành lập doanh nghiệp nhà nước, phải lập và gửi hồ sơ đề nghị đến người có quyền quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước.
– Hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước bao gồm:
+ Tờ trình đề nghị thành lập doanh nghiệp.
+ Đề án thành lập doanh nghiệp.
+ Mức vốn góp điều lệ; ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính về nguồn vốn và mức vốn điều lệ được cấp.
+ Dự thảo điều lệ về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.
+ Giấy đề nghị cho doanh nghiệp sử dụng đất.
+ Kiến nghị về hình thức tổ chức doanh nghiệp.
+ Bản thuyết minh về các giải pháp bảo vệ môi trường.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
– Sau khi chủ thể đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước tiến hành nộp hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp bao gồm đầy đủ các giấy tờ trên. Sau khi nộp hồ sơ, tùy thuộc vào mức độ quy mô, tính chất cũng như là phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, chủ thể có thẩm quyền ký quyết định thành lập doanh nghiệp có trách nhiệm lập một hội đồng thẩm định bao gồm sự giúp đỡ của bộ máy giúp việc của mình và các chuyên viên am hiểu về nội dung cần thẩm định cùng tiến hành xem xét thấu đáo các điều kiện cần thiết đối với việc thành lập doanh nghiệp Nhà nước mà chủ thể đề nghị đã nêu trong hồ sơ để xin thành lập doanh nghiệp.
– Những nội dung mà hội đồng thẩm định cần xem xét là:
+ Đề án thành lập doanh nghiệp Nhà nước. Đề án phải phù hợp với đường lối, chính sách của Nhà nước về tình hình kinh tế- xã hội; có tính áp dụng và độ khả thi cao. Ngoài ra, đề án thành lập doanh nghiệp Nhà nước cần phải đáp ứng các tiêu chí khác như các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, bảo vệ môi trường,…
+ Mức vốn góp điều lệ. Phần vốn góp điều lệ phải tương ứng với mức độ, quy mô kinh doanh; ngành nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo pháp luật quy định, mức vốn góp điều lệ phải lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định. Ngoài ra, số tiền để góp vốn ấy cần có chứng nhận của cơ quan tài chính về nguồn gốc cũng như mức vốn được cấp.
+ Đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về dự thảo điều lệ.
+ Có sự xác nhận đồng ý công khai, rõ ràng của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về địa điểm đặt trụ sở và mặt bằng tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– Hội đồng thẩm định sau khi xem xét kỹ lưỡng các nội dung trong hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước của chủ thể đề nghị, mỗi người trong hội đồng sẽ phải nêu ý kiến độc lập của mình bằng văn bản và tự chịu trách nhiệm pháp lý về ý kiến đóng góp của mình. Sau đó, chủ tịch hội đồng thẩm định sẽ tổng hợp các ý kiến của từng thành viên và trình lên người có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước.
Bước 3: Quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước
– Sau khi chủ tịch hội đồng thẩm định trình các ý kiến lên người có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày trình văn bản ý kiến, người có quyền quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước ký quyết định thành lập doanh nghiệp và phê chuẩn điều lệ hoặc từ chối không chấp nhận thành lập doanh nghiệp Nhà nước.
– Trường hợp không chấp nhận thành lập doanh nghiệp Nhà nước, người có thẩm quyền có câu trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Theo Luật doanh nghiệp Nhà nước hiện hành, Việt Nam có 3 chủ thể có thẩm quyền ký quyết định thành lập doanh Nghiệp nhà nước là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ quản lý ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Trường hợp được chấp nhận để thành lập doanh nghiệp Nhà nước, thì trong vòng 30, ngày, các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành việc bổ nhiệm chủ tịch và các thành viên của Hội đồng quản trị (nếu có), Tổng giám đốc hoặc giám đốc doanh nghiệp Nhà nước.
Bước 4: Đăng ký kinh doanh
– Sau khi có được sự chấp nhận thành lập doanh nghiệp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp Nhà nước bắt buộc phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh.
– Việc tiến hành đăng ký kinh doanh phải được thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước và hoạt động này được tiến hành tại Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
– Nếu trong vòng 60 ngày mà doanh nghiệp Nhà nước chưa làm xong thủ tục đăng ký kinh doanh mà không có lý do chính đáng thì quyết định thành lập doanh nghiệp sẽ hết hiệu lực và nếu muốn tiếp tục thành lập doanh nghiệp Nhà nước thì chủ thể đề nghị phải thực hiện lại từ bước 1.
– Hồ sơ đăng ký kinh doanh gồm:
+ Quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước đã có hiệu lực pháp luật.
+ Điều lệ doanh nghiệp đã được phê duyệt.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng trụ sở chính của doanh nghiệp.
+ Quyết định bổ nhiệm chủ tịch và các thành viên của Hội đồng quản trị (nếu có), TGĐ hoặc GĐ.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ, Sở Đầu tư và Kế hoạch có thẩm quyền phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước.
– Doanh nghiệp Nhà nước có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm đăng ký kinh doanh và bắt đầu được phép tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc các hoạt động công ích, xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ của trong đề án thành lập doanh nghiệp.
Bước 5: Công bố công khai về việc thành lập doanh nghiệp Nhà nước
– Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp Nhà nước phải đăng ký trên báo hàng ngày của Trung ương hoặc địa phương nơi doanh nghiệp đó đóng trụ sở chính 5 số báo liên tiếp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Trong trường hợp được sự đồng ý của người ký quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước thì doanh nghiệp không phải đăng báo và điều đó phải được ghi vào quyết định thành lập doanh nghiệp.
– Nội dung đăng báo bao gồm:
+ Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp Nhà nước.
+ Thông tin cơ bản của Hội đồng quản trị (nếu có), Tổng giám đốc hoặc giám đốc doanh nghiệp bao gồm họ và tên, số điện thoại, điện báo, điện tín viễn thông.
+ Thông tin cơ bản của doanh nghiệp: Số tài khoản ngân hàng, vốn điều lệ tại thời điểm thành lập, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, thời điểm bắt đầu hoạt động và thời hạn hoạt động của doanh nghiệp.
+ Tên cơ quan ký quyết định thành lập doanh nghiệp; số, ngày ký quyết định.
Trên đây là các nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp Nhà nước theo pháp luật Việt Nam mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, bạn đọc xin vui lòng liên hệ công ty tư vấn doanh nghiệp Lawkey:
Địa chỉ: Phòng 1605, tầng 16 tòa nhà B10B KĐT Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: (024).665.65.366 Hotline: 0967.59.1128
Email: contact@lawkey.vn Facebook: LawKey – Chìa khóa pháp luật
>>> Xem thêm: Quy định của pháp luật về doanh nghiệp xã hội mới nhất