Điểm mới trong thẩm quyền xét xử Tòa án nhân dân theo loại việc theo Luật
Luật Tố tụng hành chính được ban hành năm 2015. Vậy điểm mới trong thẩm quyền xét xử Tòa án nhân dân theo loại việc theo Luật là gì?
Khái niệm thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân
Thẩm quyền chính là phương tiện để các chủ thể đại diện cho quyền lực nhà nước thực hiện và duy trì nhiệm vụ, công vụ của mình. Đối với Tòa án, thầm quyền chính là khả năng nhà nước quy định cho cơ quan này trong việc xem xét và phán quyết về tranh chấp pháp lý. Khi được nhà nước trao quyền, Tòa án sau khi thụ lý vụ án, sẽ xem xét và ra phán quyết có tính bắt buộc phải thi hành với các đối tượng có liên quan.
Thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của Tòa án là khả năng của Tòa án theo quy định của pháp luật Tố tụng hành chính, thực hiện việc xem xét, đánh giá và ra phán quyết về yêu cầu khởi kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước.
Điểm mới trong thẩm quyền xét xử Tòa án nhân dân theo loại việc
Phù hợp với quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ chính trị ngày 02/06/2005 về “Mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính”, nhu cầu giải quyết tranh chấp trong quản lí hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Điều 30 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định vấn đề đối tượng xét xử vụ án hành chính bao gồm:
“1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
3. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
4. Khiếu kiện danh sách cử tri.”
Vấn đề thẩm quyền xét xử quy định trong luật tố tụng hành chính 2015 có nhiều điểm mới quan trọng, cần được bàn luận và giải thích, hướng dẫn rõ ràng:
Thứ nhất, Luật mới sử dụng phương pháp loại trừ đã hoàn thiện hơn về kĩ thuật lập pháp, quy định rõ ràng các trường hợp loại trừ, đối với “Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật” đã bỏ cụm từ “theo danh mục do Chính phủ quy định” như Luật tố tụng hành chính 2010 đã khắc phục hạn chế việc thẩm quyền của Tòa án có thể bị giới hạn bởi quyết định của cơ quan hành pháp. Tuy nhiên pháp luật cũng cần quy định rõ danh mục các loại quyết định và hành vi này. Việc giải thích quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ tại Khoản 6 điều 3 Luật tố tụng hành chính cần được cụ thể hóa hơn nữa trong các văn bản hướng dẫn để người dân có thể hiểu rõ và dễ dàng thực hiện.
Thứ hai, tại khoản 3, 4 Điều 3 Luật tố tụng hành chính khi quy định về hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là “là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Quy định “hành vi hành chính là hành vi…” chưa thực sự rõ ràng, hơn nữa có nhiều hành vi là của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật nhưng không phải là hành vi hành chính. Do đó, hành vi hành chính cần được quy định là “xử sự dược thể hiện bằng hành động hoặc không hành động của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong quá trình tiến hành hoạt động quản lí hành chính nhà nước”.
Thứ ba, đối với các quyết định kỉ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống, cho phép khởi kiện vì nó là quyết định nội bộ, ảnh hưởng đến quyền lao động của công dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Đây là một điểm phù hợp, đảm bảo quyền lao động của công dân. Nhưng trên thực tế có những hình thức quyết định khác có thể dẫn đến việc thôi việc của các chủ thể có thẩm quyền như quyết định kỉ luật cán bộ bằng hình thức bãi nhiệm, quyết định cho thôi việc cán bộ công chức, quyết định buộc thôi việc công chức giữ chức vụ trên cục trưởng cũng có khả năng xâm hại đến quyền lao động cán bộ, công chức nhưng không được khởi kiện hoặc có những quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ nhưng lại liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức (như quyết định cho thi tuyển công chức). Ngoài ra còn có đối tượng viên chức được điều chỉnh theo Luật viên chức, theo quy định như hiện nay nếu viên chức bị buộc thôi việc trái pháp luật sẽ không được khởi kiện theo thủ tục tố tụng nào. Như vậy, đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ nhưng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì cũng cần cân nhắc, xem xét cho cá nhân, tổ chức đó có quyền khởi kiện vụ án hành chính.
Thứ tư, việc Luật khiếu nại 2010 và Luật tố tụng hành chính 2015 không cho phép khiếu nại, khởi kiện các văn bản pháp quy của cơ quan hành chính. Như vậy, trên thực tế chúng ta chưa có một cơ chế kiểm tra, phán xét hiệu quả mang tính khách quan về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp quy, đặc biệt là hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền địa phương trên những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.
Ngoài ra còn một số lưu ý về thẩm quyền xét xử vụ án hành chính theo loại việc của Tòa án nhân dân:
– Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì không có lý do không có điều luật để áp dụng (Điều 4 BLTTDS 2015). Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, hoặc lẽ công bằng (Điều 43, 44, 45 BLTTDS 2015).
– BLTTDS 2015 đã sửa đổi bổ sung nhiều loại việc mới thuộc thẩm quyền của Tòa án được quy định trong các luật nội dung bảo đảm thống nhất, phù hợp với Hiến pháp và các luật khác như: BLDS, Bộ luật Hàng hải, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật doanh nghiệp, Luật thi hành án dân sự, Bộ luật lao động, Luật đấu thầu, Luật công đoàn….
– Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái Hiến pháp, pháp luật thì Chánh án Tòa án có văn bản kiến nghị Chánh án TANDTC kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản trái pháp luật (Điều 221 BLTTDS 2015).
– Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự. (Điều 34 BLTTDS 2015)
Trên đây là bài viết về điểm mới trong thẩm quyền xét xử TAND theo loại việc theo Luật Tố tụng hành chính 2015 Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.