Áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với hàng hóa nhập khẩu
ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ CHÍNH THỨC
Biện pháp tự vệ là một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại được WTO cho phép sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu. Việt nam từng áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu như: phân bón DAP và MAP, cụ thể “ngày 02 tháng 3 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế: 1.128.531 VND/tấn trong thời gian 2 năm”. Bài viết này sẽ giúp quý bạn đọc tìm hiểu về việc áp dụng biện tự vệ chính thức theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
1. Khái quát chung về biện pháp tự vệ.
1.1. Sự cần thiết của việc áp dụng biện pháp tự vệ.
a. Biện pháp tự vệ là gì?
Tự vệ là một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại (hai biện pháp khác là chống bán phá giá và chống trợ cấp) được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có sự gia tăng của hàng nhập khẩu và sự gia tăng đó đã và đang gây ra (hoặc có thể gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Theo wikipedia thì “biện pháp tự vệ (tiếng Anh: safeguard measures) là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ”.
b. Mục đích của biện pháp tự vệ.
Biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế được sử dụng để áp dụng với hành vi thương mại hoàn toàn bình thường nghĩa là không có hành vi vi phạm pháp luật hay cạnh tranh không lành mạnh. Cho nên về hình thức, các biện pháp tự vệ được coi là đi ngược lại chính sách tự do hoá thương mại của WTO. Tuy nhiên, đây là biện pháp được thừa nhận trong khuôn khổ WTO với các điều kiện chặt chẽ để tránh bị lạm dụng. Bởi vì khi mở cửa thị trường và tự do hoá thương mại theo các cam kết WTO, các biện pháp tự vệ chính là công cụ bảo vệ mà hầu hết các nước nhập khẩu là thành viên WTO đều mong muốn thực hiện khi thấy cần thiết. Với biện pháp tự vệ, nước nhập khẩu có thể ngăn chặn tạm thời luồng nhập khẩu hàng hoá để giúp ngành sản xuất nội địa của mình tránh những đổ vỡ trong một số trường hợp khó khăn.
Xem thêm: Quy định của pháp luật Việt Nam đối với biện pháp tự vệ tạm thời trong thương mại
1.2. Điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ.
Một nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các điều kiện sau:
(i) Hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng;
(ii) Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng; và
(iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên.
Một điều kiện chung là tình trạng nói trên phải là hệ quả của việc thực hiện các cam kết trong WTO của các thành viên mà họ không thể thấy hoặc lường trước được khi đưa ra cam kết. Song song với các điều kiện chung này, một số nước khi gia nhập WTO phải đưa ra những cam kết riêng liên quan đến biện pháp tự vệ.
Mỗi nước nhập khẩu là thành viên của WTO đều có quyền áp dụng biện pháp tự vệ, nhưng khi áp dụng thì họ phải đảm bảo tuân theo các quy định của WTO về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú ý đến biện pháp này để yêu cầu Chính phủ sử dụng nhằm bảo vệ lợi ích của mình trước hàng hoá nhập khẩu của nước ngoài khi cần thiết.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
2.1. Thời hạn ban hành quyết đinh áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, chậm nhất 15 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra gửi kết luận cuối cùng đối với hàng hóa nhập khẩu bị điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định chính thức về vụ việc. Như vậy, căn cứ trên kết luận của cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ hoặc không ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ.
2.2. Nội dung của quyết định áp dụng biện pháp tự vệ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Nghị địnhsố 10/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, nội dung của quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại chính thức phải bao gồm:
- Mô tả hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức bao gồm tên gọi, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mức thuế nhập khẩu có hiệu lực áp dụng theo biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành.
- Biện pháp tự vệ chính thức.
- Hiệu lực và thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
- Việc hoàn trả mức chênh lệch về thuế tự vệ nếu có.
- Thủ tục, hồ sơ kiểm tra và áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
- Kết luận điều tra cho thấy sự cần thiết phải áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Trên đây là những quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp tự vệ chính thức. Lawkey gửi đến bạn đọc!