Những quy định pháp luật hiện hành về chào hàng cạnh tranh
Hiện nay nước ta có quy định về nhiều hình thức đấu thầu. Những gói thầu cung cấp hàng hóa có tính chất đơn giản, giá trị nhỏ thường áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.
Chào hàng cạnh tranh là gì?
Chào hàng cạnh tranh (CHCT) là một trong các hình thức đấu thầu được áp dụng đối với những gói thầu có hạn mức được quy định bởi Luật Đấu thầu. Chào hàng cạnh tranh là hình thức đấu thầu thường áp dụng đối với những gói thầu cung cấp hàng hóa có tính chất kĩ thuật đơn giản, hàng hóa thông dụng được sản xuất sẵn và có giá trị nhỏ, ví dụ như cung cấp một số lượng không nhiều bàn ghế làm việc, cung cấp và lắp đặt điều hòa nhiệt độ, cung cấp và lắp đặt máy vi tính, dụng cụ y tế…
Các trường hợp sử dụng hình thức CHCT:
– Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
– Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;
– Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.
Điều kiện để được phép áp dụng Chào hàng cạnh tranh
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật Đấu thầu, CHCT được phép áp dụng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
– Có dự toán được phê duyệt theo quy định;
– Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.
Hạn mức gói thầu
Pháp luật quy định thêm về hạn mức đối với giá trị của gói thầu trước khi áp dụng CHCT. Cụ thể tại Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hạn mức đối với giá trị gói thầu trong từng trường hợp như sau:
– Đối với quy trình thông thường:
Giá trị gói thầu có hạn mức không quá 05 tỷ đồng.
– Đối với quy trình rút gọn:
Giá trị gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản không quá 500 triệu đồng;
Giá trị gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường và gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt không quá 01 tỷ đồng.
Đặc biệt, đối với mua sắm thường xuyên cũng được pháp luật điều chỉnh về hạn mức với giá trị gói thầu không quá 200 triệu đồng.
Như vậy, nếu các gói thầu có giá trị vượt quá hạn mức mà pháp luật đặt ra thì sẽ không được phép thực hiện hình thức CHCT để tìm kiếm nhà thầu, nhà đầu tư.
Qui trình lựa chọn nhà thầu đối với chào hàng cạnh tranh
Chào hàng cạnh tranh theo qui trình thông thường
Các bước bao gồm: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo hợp đồng; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, kí kết hợp đồng.
Chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn
Bao gồm các bước: chuẩn bị và gửi yêu cầu báo giá cho nhà thầu; nhà thầu nộp báo giá; đánh giá các báo giá và thương thảo hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, kí kết hợp đồng. (Theo Luật Đấu thầu năm 2013)
Trên đây là bài viết về những quy định pháp luật hiện hành về chào hàng cạnh tranh Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.